Kinh tếNông thôn mới

Góc nhìn – Tiêu điểm

Ðể chương trình mục tiêu quốc gia  “chạy” nhanh hơn

09:27 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 2420 In bài viết

ĐBP - Sau gần 3 năm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, tỉnh Ðiện Biên chưa đạt yêu cầu đặt ra, tiến độ rất chậm.

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư các chương trình MTQG được Trung ương phân bổ là 1.176,618 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư là 339,46 tỷ đồng, đạt 28,85%; giải ngân vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023 là 159,072/509,853 tỷ đồng, đạt 31,2% kế hoạch. Ðối với nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 22,337 tỷ đồng, đạt 3,36% kế hoạch.

Tiến độ triển khai các chương trình MTQG rất chậm; khối lượng công việc còn lại rất lớn trong khi thời gian thực hiện chỉ còn chưa đầy 6 tháng. Ðể giải ngân 100% vốn các chương trình MTQG rất khó.

Không khó để chỉ ra những vướng mắc từ thực tiễn triển khai các chương trình. Ðầu tiên phải nói đến là số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình của Trung ương, các bộ ngành và địa phương là rất lớn trong đó có hàng chục thậm chí hàng trăm đầu văn bản cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành. Do đó, chỉ cần một trong những “mắt xích” đó bị chậm sẽ khiến cho hệ thống bị “tắc”. Thực tế triển khai cho thấy, hệ thống văn bản thì nhiều song chưa đồng bộ, thông suốt mà vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo khiến cán bộ cơ sở trực tiếp triển khai lúng túng, bế tắc vì “không biết làm thế nào cho đúng”. Hiện nay, UBND tỉnh và một số sở, ngành vẫn còn 2 văn bản chưa ban hành để các địa phương thực hiện, trong khi một số cán bộ trực tiếp triển khai chương trình ở cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa trình độ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện hồ sơ thủ tục mất nhiều thời gian. Dự án nhỏ cũng từ 2 - 3 tháng; những dự án lớn thậm chí cả năm, chưa kể phải làm đi làm lại khi chưa đạt yêu cầu. Ðơn cử như nguồn sự nghiệp thuộc các dự án hỗ trợ sản xuất năm 2022 hầu hết các địa phương đều rơi vào tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, phải chuyển nguồn sang năm 2023. Sang năm 2023, đã qua 7 tháng, vẫn có những địa phương chưa dự án nào được phê duyệt để triển khai thực hiện. Ðối với nguồn đầu tư phát triển, có địa phương vẫn còn 7 dự án chưa khởi công vì chưa hoàn thiện thủ tục, công tác chuẩn bị đầu tư.

Vướng mắc về thủ tục, chậm trễ về tiến độ đã làm ảnh hưởng lớn đến ý nghĩa, mục tiêu của các chương trình này.

Ðể các chương trình MTQG “chạy” nhanh hơn trong thời gian tới, cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định và hướng dẫn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, trong đó có quy định để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thủ tục triển khai. Ðối với các dự án chưa triển khai, trong công tác chuẩn bị đầu tư cần lựa chọn các đơn vị tư vấn có trình độ chuyên môn cao để nâng cao chất lượng hồ sơ dự án, chủ động hoàn thiện các thủ tục cần thiết, sẵn sàng triển khai dự án ngay sau khi được giao vốn. Các dự án đang triển khai cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân công cụ thể cán bộ theo dõi tiến độ, chất lượng. Ðồng thời, cơ quan thẩm quyền kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án có tiến độ chậm, tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng thực hiện tốt hơn. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp thực hiện các dự án. Cùng với đó, xử lý nghiêm trách nhiệm những tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ vì lý do chủ quan.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top